" Chỉ vì bạn là người tử tế không có nghĩa bạn là người tốt. Và chỉ vì ai đó xấu tính, không có nghĩa họ là người xấu.
Con người có những nét tính cách cơ bản khác nhau, những nét tính cách này là di truyền và không thay đổi trong suốt quãng đời của họ. Đó là quan điểm về Tính Cách. Vấn đề ở đây là, loài người có đến hằng hà sa số các kiểu hành vi, làm sao để bạn biết hành vi nào gây ra bởi Tính Cách, và hành vi nào gây ra bởi đủ thể loại chuyện xàm xí đang diễn ra xung quanh họ?.
Một danh sách gồm 4500 từ miêu tả đủ thứ tào lao mà con người có thể làm. Mọi thứ, từ “ái vật” (chứng loạn dục với đồ vật) cho đến “liếm gót”, rồi “tục tĩu”, chắc hẳn sẽ có trong danh sách… Nếu chia các từ ngữ vào những hạng mục lớn sao cho chúng có thể chứa được nhiều từ nhất có thể thì mấy từ như “lắm mồm” (talkative), “nhiều lời” (wordy), “nói nhiều” (loquacious), hay “ba hoa chích chòe” (garrulous), đều được ném tất vào cái ô “lắm mồm” (talkative). Mấy từ như “thẫn thờ” (mopey), “hay thở dài” (whiny), hay “tự than thân” (self-pitying), thì ném chung vào cái ô “âu sầu” (melancholy). Kiểu kiểu vậy.
Cuối cùng, thứ còn lại sau cùng là 5 nét tính cách ổn định nhất: Tính hướng ngoại (Extraversion), Tính cởi mở với trải nghiệm mới (Openness to new experience), Tính dễ chịu (Agreeableness), Tính chu đáo (Conscientiousness) và Tâm thần bất ổn (Neuroticism). 5 hạng mục tính cách này được cho là có thể giải thích được mọi hành vi, và chúng trở thành một trong những thước đo có cơ sở và mang tính khoa học nhất của ngành tâm lý học.
5 đặc điểm tính cách lớn này khá ổn định theo thời gian. Chúng cũng không bị hoàn cảnh tác động. Có một sự cấu thành từ gen đáng chú ý ở đây. Chúng phần nào quyết định bạn là ai, lựa chọn của bạn là gì, và bạn sẽ sống tốt ra sao.
Nhìn chung, hội hướng ngoại sẽ trải nghiệm nhiều cảm xúc tích cực hơn, có mạng lưới xã hội rộng hơn, và, có lẽ vì thế mà họ kiếm được nhiều tiền. Hội nào chu đáo, tận tâm thì sống khỏe hơn và lâu hơn, chắc là do họ có rửa tay sau khi đi tiểu. Ai mà bị loạn trí tầm cao thì sống chật vật về mặt cảm xúc, dễ mất việc, bị li dị, rồi trở nên trầm cảm. Hội thích trải nghiệm thì thường sáng tạo, ưa mạo hiểm, và là những người theo tư tưởng tự do chính trị. Hội không thích trải nghiệm thì lại hay theo phe bảo thủ và tệ trong mấy trò tổ chức tiệc tùng trác táng.
Nhưng trong cả 5 đặc điểm trên, có một đặc điểm đứng trên tất cả trong việc quyết định sự thành công trong sự nghiệp: Tính Dễ Chịu (Dễ thương).
Không, phải là Thiếu Tính dễ thương.
Cơ bản thì, mấy tên khốn kiếm được nhiều tiền hơn. Và thường là rất nhiều tiền.
Giờ thì quá dễ để than vãn là điều đó chỉ càng chứng tỏ thế giới này hỗn loạn đến mức nào, và mấy thể loại xấu tính nhất, độc ác nhất trong xã hội luôn là lũ đi đầu.
Nhưng tôi thì lại thấy đó là một góc nhìn chưa trưởng thành và lai rai. Chỉ vì bạn là người tử tế không có nghĩa bạn là người tốt. Và chỉ vì ai đó xấu tính, không có nghĩa họ là người xấu.
Thực tế thì tôi tin rằng trái đất cần một lượng vừa đủ mấy thằng khốn. Và rằng làm một tên khốn cũng là một kĩ năng sống đáng quý. Theo ý tôi thì “tên khốn” là kẻ chấp nhận việc bị ghét và/hoặc việc làm người khác bực mình. Rồi chúng ta sẽ thấy, thỉnh thoảng làm tổn thương cảm xúc của ai đó (hoặc chỉ đơn giản là sẵn sàng làm điều đó thôi), là cần thiết, không chỉ cho bản thân chúng ta, mà còn cho một lợi ích to lớn hơn. Và tôi cũng tin rằng nếu nhiều người trong chúng ta có thể và sẵn sàng “bật cái công tắc khốn nạn lên”, thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn.
Lý Thuyết Trò Chơi của sự Khốn Nạn
Giả sử có hai bên đang chuẩn bị cho một bản hợp đồng kinh doanh. Lại giả sử đây là bản hợp đồng lớn và quan trọng mà có khả năng sẽ đẻ ra rất nhiều tiền cho các bên liên quan và cho thế giới.
Bây giờ, giả sử một bên đã học được những kĩ năng bất thành văn của việc trở thành một tên khốn, bên kia thì chưa. Nghĩa là một bên thì hoàn toàn sẵn sàng với việc bị ghét, bên kia thì không.
Chuyện gì sẽ xảy ra? Ừm…, rõ quá rồi còn gì: bên khốn nạn sẽ nghiền nát bên còn lại và kí một bản hợp đồng cực kì có lợi cho họ. Chạy thử bối cảnh này khoảng triệu lần, qua vài thập kỉ, bạn vẫn sẽ thấy bọn khốn luôn điều hành thế giới này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng hãy chạy cuộc thử nghiệm trên lần nữa với hai người không-khốn-nạn – cả hai đều không sẵn sàng bị ghét.
Hai bên cùng ngồi xuống, và thay vì cố gắng co kéo từng miếng lời nhỏ nhất về bên mình, cả hai đều không muốn mình trông khốn nạn, nên họ đều đồng tình với những điều khoản ổn ổn, chứ không phải tốt nhất dành cho họ. Hợp đồng vẫn kí xong, nhưng nó chỉ bán-tối ưu bởi vì chẳng bên nào cố gắng hết khả năng của mình cả. Thế nên, rất nhiều giá trị sẽ bị mất đi trong quá trình đó.
Trong những bối cảnh khác, hai người-tử-tế sẽ thất bại trong việc đi đến kí kết cuối cùng bởi vì những lời đề nghị ban đầu từ cả hai bên đều sẽ bị xa rời trọng tâm, và họ cũng chẳng muốn co kéo nhiều vì sợ sẽ làm phía kia ghét mình. Thay vào đó, họ sẽ tử tế nói, “ Tôi nghĩ là chắc chẳng giải quyết được gì đâu! Đừng đặt nặng vấn đề quá, hãy cùng làm một ly bây giờ nhé " hoặc " chúng ta có thể bàn về nó vào hôm khác "
Bối cảnh thứ ba là hai tên khốn cùng đến buổi thương lượng. Cả hai phe đều sẵn sàng bị ghét. Và không chỉ dừng ở việc họ sẽ cố thúc đẩy mọi thứ họ có để bản hợp đồng có lợi cho họ, họ còn đẩy xa hơn. Họ sẽ cố ý gây thù chuốc oán với bên còn lại vì họ biết rằng cảm giác thù địch làm con người ta mệt mỏi và dễ đầu hàng hơn.
Kì lạ thay, cái bối cảnh cực kì, cực kì khó chịu này lại là cái đưa tới kết quả tối ưu nhất. Cả hai bên sẽ đẩy bản hợp đồng đi xa đến nỗi chẳng ai cảm thấy hài lòng với nó. Cả hai cùng cảm thấy họ là kẻ thua cuộc nhưng sự đồng thuận cuối cùng lại tạo ra được những kết quả tốt đẹp hơn cho cả hai vì họ đã không bỏ lỡ bất cứ chướng ngại nào trên con đường tìm kiếm thứ tốt nhất cho họ.
Tên khốn | Người tốt | |
Tên khốn | Hợp đồng tối ưu – nhưng mọi người ghét nhau | Tên khốn sẽ có được nhiều hơn thứ họ xứng đáng – nhưng mọi người vẫn vui vẻ với nhau |
Người tốt | Tên khốn sẽ có được nhiều hơn thứ họ xứng đáng – nhưng mọi người vẫn vui vẻ với nhau | Hợp đồng bán tối ưu – nhưng mọi người đều thích nhau |
Vâng, bọn khốn thống trị thế giới. Nhưng đó là vì trong những phi vụ cá cược lớn, làm một tên khốn thì có lợi. Thinh thoảng nó cũng hữu ích phết nếu sếp của bạn nghĩ bạn là một thằng đầu b* (đã bao giờ bạn nghe câu “Anh ta là một thằng tồi, nhưng mà anh ta là thằng tồi của chúng tôi” chưa?) Thỉnh thoảng nó cũng hữu ích nếu bạn bè nghĩ bạn là một tên khốn (nghe kì nhưng mà điều đó cho họ thấy rằng họ có thể tin tưởng bạn). Và đã bao giờ bạn cố gắng chia tay ai đó mà không làm tổn thương họ chưa? Ờ, không thể đâu. Nên là hầu hết những người không-khốn-nạn thường cứ phải ở lì trong một mối quan hệ tệ hại lâu hơn khoảng thời gian mà họ nên ở.
Giờ thì tóm tắt lại:
Điều gì càng quan trọng, thì độ đánh cược càng cao.
Độ đánh cược càng cao, thì người ta càng dễ đặt nhiều cảm xúc vào kết quả cuối cùng.
Người ta càng dễ đặt nhiều cảm xúc vào kết quả cuối cùng, thì càng khó để làm ai đó cáu hoặc nói cho ai đó nghe điều họ không muốn nghe.
Thế nên, điều gì càng quan trọng, càng đáng để sẵn sàng “nhảy vào mồm” ai đó nếu cần thiết.
Làm Sao Để Trở Thành Một Tên Khốn Có Đạo Đức?
Khi nghĩ về những tên khốn đáng ghét, chúng ta thường nghĩ về hội vô đạo đức. Chúng bốc phét, lừa đảo, hoặc ăn trộm để đạt được điều chúng muốn.
Phải, chúng là lũ khốn. Nhưng mà chúng cũng vô đạo đức nữa. Thử câu trên dưới dạng một câu hỏi SAT nhé:
+ Tất cả những kẻ vô đạo đức đều đáng ghét.
+ Tất cả những kẻ đáng ghét đều là lũ khốn.
Đúng hay Sai: Tất cả lũ khốn đều vô đạo đức.
Đúng, tôi kém về logic
Đúng, m* kiếp! Chỉ có tao mới được quyết định cái gì là đúng.
CHẢ CÁI NÀO ĐÚNG CẢ, câu hỏi này đã phản lại tín ngưỡng của tôi.
SAI, dù tất cả lũ vô đạo đức là lũ khốn, nhưng không phải tất cả những tên khốn đều vô đạo đức.
Đáp án đúng là 4
Phải, có thứ gọi là tên khốn có đạo đức. Và tôi quả quyết là những tên khốn có đạo đức là những bảo vật quốc gia. Chúng ta cần những tên khốn có đạo đức bởi họ là thứ duy nhất có thể bảo vệ ta khỏi lũ khốn vô đạo đức.
Thê nên là, giả sử bạn là một con người có đạo đức, thì làm sao để trở nên khốn nạn hơn?
Ừm…Như chúng ta đã thiết lập từ đầu, vài người được sinh như vậy. Kiểu sinh ra đã đáng ghét khó ưa rồi. Họ nghĩ mọi người đều khá xàm, nhìn chung là vậy, nên họ cũng chẳng quan tâm nếu người khác không ưa họ.
Nhưng đối với những ngưỡi dễ chịu, học cách trở nên khốn nạn là một kĩ năng phải được luyện tập. Cũng như cách một người hướng nội phải luyện tập sử dụng những kĩ năng hướng ngoại khi cần, người dễ chịu (dễ mến) phải học cách trở nên khó ưa nếu cần, để đừng bị chà đạp.
Sau đây là vài bước để trở nên khốn nạn hơn:
Quyết xem cái gì quan trọng hơn cảm xúc của mọi người.
Hầu hết mọi người đều để cuộc sống của họ bị sai khiến bởi cảm xúc – của họ và của cả người khác. Họ thậm chí còn chẳng nhận ra điều đó vì họ chưa bao giờ ngẫm về nó. Nhưng, như tôi đã đề cập trước đó, nếu bạn để cảm xúc chi phối, bạn sẽ mắc kẹt trong một cái hố c*t mãi mãi.
Chìa khóa để phát triển sự sẵn lòng làm người khác điên lên là phải hiểu cái gì quan trọng hơn việc người ta điên lên. Bạn có sẵn sàng làm tổn thương cảm xúc của ai đó để cứu cả một gia đình đang chết dần chết mòn không? Ờ, có thể. Thế còn để cứu vớt sự nghiệp của bạn thì sao? Tôi hi vọng vậy (Có vài người chắc chẳng dám đâu). Thế còn để ủng hộ một mục đích tốt đẹp mà bạn quan tâm?
Lũ khốn vô đạo đức là lũ khốn bởi vì chúng quan tâm đến bản thân chúng nhiều hơn người khác. Chúng ái kỉ và nhìn thế giới này dưới khía cạnh của thứ có lợi cho chúng. Hiển nhiên đó là điều không tốt. Chúng vô đạo đức vì mục đích của chúng xấu. Tìm ra được mục đích tốt vượt ngoài những lợi ích cá nhân là bước đầu để trở thành một tên khốn có đạo đức.
Thoải mái với những cảm xúc tệ hại.
Hầu hết những người quá tử tế nghĩ rằng họ tử tế vì họ quá quan tâm đếncảm xúc của người khác. Họ tự nói với bản thân là “Ừm…Tôi sẽ không bao giờ nói điều đó với cô ấy, vì cô ấy sẽ thấy tệ lắm”. Nhưng họ chỉ đang dối lừa chính mình thôi. Họ cứ nghĩ mình vị tha lắm, nhưng họ đâu có vậy.
Họ không muốn nói điều đó với cô ấy bởi vì họ sẽ tự làm bản thân thấy tệ. Sự đồng cảm dành cho người khác là công cụ ngăn cản họ. Họ sẽ không làm đau người khác vì sau đó họ sẽ cảm thấy buồn cho người đó và rồi họ sẽ cảm thấy buồn cho chính bản thân họ.
Trở nên thoải mái hơn với việc cảm thấy tệ, rồi bạn sẽ ổn với việc khiến người khác cảm thấy tệ nếu cần thiết. Tôi vừa kết thúc cuộc gọi với một người bạn tối qua. Tôi mắng hắn vì hắn đã làm vài điều khá ngu ngốc có liên quan đến tôi. Hắn cảm thấy rất tệ. Tôi thấy tệ vì hắn thấy tệ. Nhưng tôi cũng biết rằng thật tốt vì chúng tôi cùng cảm thấy tệ. Cho một mục đích tốt. Tôi chịu được.
Nhưng để tôi có thể khiến hắn cảm thấy tệ, thì trước hết tôi cần phải có năng lực tự cảm thấy tệ đã.
Hướng đến sự chân thành đầy đau đớn.
Chúng ta đều từng ở trong hoàn cảnh khi mình muốn nói điều gì đó quan trọng nhưng lại sợ sẽ làm ai đó cáu nếu nói điều đó ra. Có một sự căng thẳng khó chịu xuất hiện trong ta khi ta cứ phải đi tới đi lui ngẫm xem ta nên nói hay không nói.
Hãy thiết lập một luật mới cho bản thân: Nếu có điều gì đó bất tiện mà bạn tin là đáng nói, hãy nói ra. Đừng nghĩ nhiều. Hãy tin rằng về lâu về dài, thường thì bạn sẽ cảm thấy vui vì bạn đã nói. Sự thật thì khả năng cao là sau này người khác cũng sẽ vui vì bạn đã nói.
Trong vài lần đầu, trở nên khốn nạn theo cách đó có thể thật đáng sợ. Nhưng một khi bạn nhận được các phản hồi tích cực từ xã hội, bạn sẽ thấy ổn thôi. Và sẽ thể hiện tự nhiên hơn. Bạn sẽ là một tên khốn. Nhưng bạn sẽ là tên khốn của lòng họ.
Bởi lẽ có một điều khá hài hước mà bạn sẽ nhận thấy nếu bạn bắt đầu cải thiện kĩ năng khốn nạn của mình: người khác sẽ gặp riêng bạn, khi mà mọi người đều đã rời đi, hoặc lôi bạn vào một góc hành lang nào đó, và trong lúc ngoảnh lại ngó xem còn có ai khác đang nghe không, họ sẽ nói: “Ê, cám ơn cậu vì đã nói điều đó. Chúa ơi, nó cần phải được nói ra dã man. Tớ vui vì cậu đã làm thế.”
Rồi điều này bắt đầu xảy ra mọi lúc mọi nơi. Sự thật là, người tử tế dựa dẫm rất nhiều vào những tên khốn có đạo đức để chiến đấu thay họ.
Tại sao làm một tên khốn cũng là một kĩ năng sống đáng quý.
Reviewed by Tùng Phạm
on
tháng 6 09, 2019
Rating: