Keep Traveling

Tài chính cá nhân – Bài 1. Tiết kiệm


Bí quyết số 1 “Tiết kiệm đều đặn hàng tháng và đầu tư số tiền này, sau 1 thời gian, bạn sẽ có cả 1 gia tài!” rất đơn giản. Thế nhưng hầu hết chúng ta không làm vì 3 lý do sau: 
1) chúng ta không biết bí quyết thần kỳ này 
2) chúng ta không đủ kỷ luật, không đủ quyết tâm để tiết kiệm hàng tháng
3) chúng ta không hiểu hiệu quả thần kỳ của việc đầu tư, của lãi suất kép.
**** CHÚNG TA KHÔNG BIẾT BÍ QUYẾT THẦN KỲ NÀY.
Nếu bạn có thể tiết kiệm 1 triệu mỗi tháng, như vậy sau 30 năm, tức là sau 360 tháng bạn sẽ có bao nhiêu tiền?
Bạn đừng nói là 360 triệu nhé.
Nếu chỉ là 360 triệu thì bí quyết này đâu được gọi là thần kỳ.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết con số cuối cùng!
Nếu bạn chỉ gởi tiền vào ngân hàng, hay đầu tư thụ động với lãi suất 8%/năm, sau 30 năm bạn sẽ có 1.5 tỷ
Nếu bạn chỉ cần học, làm theo những nguyên tắc đầu tư trong loạt bài Tài chính cá nhân này, bạn sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận 12%/năm – 18%/năm, và sau 30 năm bạn có thể có 3.2 tỷ – 11 tỷ
Nếu bạn là nhà đầu tư giỏi, đạt tỷ suất lợi nhuận hàng năm 24%, sau 30 năm bạn có thể có số tiền lên tới 39 tỷ.
Những con số này bạn hoàn toàn có thể đạt được nếu nắm vững những kiến thức trong loạt bài về tài chính cá nhân và đầu tư mà tôi sẽ up hàng tuần lên Facebook, và website makemoney.vn
****CHÚNG TA KHÔNG ĐỦ KỶ LUẬT, KHÔNG ĐỦ QUYẾT TÂM ĐỂ TIẾT KIỆM HÀNG THÁNG.
Có những người sống dè sẻn quá mức. Không dám tiêu xài. Lúc nào cũng để dành. Tôi không khuyến khích cách sống này. Chúng ta làm ra tiền để sống, để hưởng thụ cuộc sống. Và tin xấu là phần lớn những người “hà tiện” thường không biết đầu tư đúng cách.
Nhưng cũng có những người sống quá thoải mái với số tiền mình làm ra được. Bạn để ý xem, nhiều nghệ sĩ, người mẫu, cầu thủ, những người làm ra rất nhiều tiền, và những người giàu đột xuất từ bán đất, trúng vé số…thường không có tiền vào cuối đời vì có bao nhiêu tiền họ “quất” hết, không tiết kiệm, không biết quản lý tài chính cá nhân.
Tôi cũng người có tính khá thoải mái, cộng thêm sự tự tin vào khả năng làm ra tiền của mình nên cũng ít tiết kiệm. Tôi đã biết đó là sai lầm và đã từng bước sửa chữa 🙂
Kết luận là phải nên tiết kiệm. Hãy giữ lại 5% số tiền hàng tháng của mình, đều đặn hàng tháng. (7% hay 10% càng tốt).
Trong những bài sau, tôi sẽ chỉ ra nhiều cách để bạn cắt giảm chi phí.
Nhưng trong bài này, tôi chỉ nói 1 ví dụ đơn giản. Nếu như thu nhập của bạn hàng tháng là 20 triệu thì hàng ngày bạn hãy bớt tiêu xài 33,000 đồng. Chỉ cần bớt 1 ly cà phê mỗi ngày. (Cà phê vỉa hè 15K, cà phên xịn 60K) thì mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm được 1 triệu, tức 5% thu nhập của bạn.
Ngay hôm nay, các bạn hãy lên kế hoạch, cắt giảm 5% chi tiêu hàng tháng của mình, hoặc giỏi hơn nữa là kiếm thêm 5% này bằng cách làm thêm giờ, thêm 1 công việc ngoài giờ nào khác.
5% mỗi tháng, dễ mà khó. Khó mà dễ.
Vấn đề là kỷ luật, và sự quyết tâm của bạn thôi. Hãy nghĩ đến ngày bạn có 1 số tiền lớn. bạn sẽ có động lực rất mạnh mẽ.
**** HIỆU QUẢ THẦN KỲ CỦA LÃI SUẤT KÉP.
** Tiền lãi/ lãi suất.
Số tiền ban đầu 100 đồng. Đầu tư với lãi suất 12%/năm.
Sau 1 năm chúng ta sẽ nhận được tiền lãi, tính theo công thức sau:
Tiền lãi = Tiền gốc * lãi suất/năm
Tiền lãi = 100*12%= 12 đồng.
12 đồng tiền lãi này ta có quyền nhận về để sử dụng, hoặc để lại 12 đồng này để nhập vốn.
** Lãi suất đơn.
Trường hợp ta không nhận 12 đồng lãi này và dùng nó nhập vào tiền gốc, nhưng 12 đồng này không sinh lãi, thì trường hợp này gọi là lãi suất đơn.
Tin vui là hiện nay hầu như ít ai còn áp dụng lãi suất đơn.
** Lãi suất kép.
Trường hợp ta không nhận 12 đồng lãi này và dùng nó nhập vào tiền gốc, và 12 đồng này sinh lãi, thì trường hợp này gọi là lãi suất kép.
Số tiền ban đầu 100 đồng. Lãi suất 12%/năm.
Sau 1 năm: chúng ta sẽ nhận được 100 đồng tiền gốc và 12 đồng tiền lãi. Tổng tiền cuối năm 1 là = 100+12 = 112
Sau 2 năm: 100 đồng tiếp tục sinh lãi là 12 đồng. Và 12 đồng lãi năm trước cũng sinh lãi là 1.44 đồng. Tổng tiền của cuối năm 2 là = 100 đồng gốc+ 12 đồng lãi năm 1 + 12 đồng lãi năm 2 + 1.44 là lãi do 12 đồng sinh ra = 125.44
Sau 3 năm số tiền 125.44 này lại tiếp tục sinh lãi, và tính tương tự ta sẽ nhận được số tiền là = 140.49
Sau 4 năm, số tiền 140,49 lại tiếp tục sinh lãi, và tính tương tự ta sẽ nhận được số tiền là = 157.35
Sau 5 năm, số tiền 157.35 lại tiếp tục sinh lãi, và tính tương tự ta sẽ nhận được số tiền là = 176.23
Công thức để tính
Số tiền kỳ thứ n = Số tiền gốc* (1+lãi suất)^số kỳ.
Như vậy, khi chúng ta đầu tư và để tiền của mình sinh lãi kép, tiền sẽ sinh sôi nảy nở, đẻ con đẻ cháu theo thời gian. Lãi suất càng cao, thời gian đầu tư càng dài, thì số tiền thu được càng lớn.
Chúng ta hãy xem các con số sau.
1 triệu tiền gốc, lãi suất 12%%, sau 5 năm, sẽ là = 1,000,000*(1+12%)^5= 1,762,342.
1 triệu tiền gốc, lãi suất 12%, sau 10 năm, sẽ là 3,105,848
1 triệu tiền gốc, lãi suất 12%, sau 20 năm, sẽ là 9,646,922
1 triệu tiền gốc, lãi suất 12%, sau 30 năm, sẽ là 29,959,922
….
1 triệu tiền gốc, lãi suất 24%, sau 20 năm, sẽ là 73,846,150
1 triệu tiền gốc, lãi suất 24%, sau 30 năm, sẽ là 634,819,933
Hãy tưởng tượng nhé: nếu như bạn có thể đầu tư với lãi suất 24%, trong vòng 30 năm, thì 1 triệu trở thành 634 triệu. Gấp 634 lần.
Vì thế nhà bác học lừng danh Albert Einstein từng nói: “Compound interest is the eighth wonder of the world. He who understands it, earns it … he who doesn’t … pays it”. Tạm dịch là : “Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của loài người. Những ai hiểu được nó sẽ nhận được giá trị to lớn từ nó. Những ai không hiểu nó, sẽ trả giá vì nó”.
Nhà đầu tư số 1 thế giới Warren Buffet, từng là tý phú top 1 thế giới, nay là top 3, là minh chứng cho việc sinh sôi nảy nở giá trị tài sản của mình bằng cách liên tục đầu tư vào những tài sản đem lại tỷ suất lợi nhuận cao.
** VÀ KHI CHÚNG TA PHỐI HỢP, SỰ THẦN KỲ CỦA LÃI SUẤT KÉP, VỚI VIỆC TIẾT KIỆM ĐỀU ĐẶN, CHÚNG TA SẼ CÓ 1 CÔNG THỨC LÀM GIÀU CỰC KỲ HIỆU QUẢ.
Trở lại ví dụ mỗi tháng chúng ta tiết kiệm 1 triệu, đầu tư số tiền này với lãi suất hàng năm là 12%. Trong những bài tiếp, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đầu tư để đạt mức lãi suất từ 10%/năm – 20%/năm. Dĩ nhiên sẽ luôn có rủi ro đi kèm với mức lãi suất cao này. Nhưng nếu nắm vững kiến thức, chúng ta vẫn có thể kiểm soát, giảm thiểu được các rủi ro.
Mỗi tháng tiết kiệm 1 triệu, lãi suất năm 12%, sau 30 năm chúng ta có bao nhiêu?
Ở đây tôi bỏ qua lãi suất tháng, và chỉ gộp 12 triệu vào cuối năm, đi đầu tư 1 lần.
Mười hai triệu của năm đầu tiên, sẽ có giá trị tại năm thứ 30, là = 12,000,000*(1+12%)^30 = 359,519,065
Mười hai triệu của năm thứ 2, sẽ có giá trị tại năm thứ 30, là = 12,000,000*(1+12%)^29 = 320,999,166
Mười hai triệu của năm thứ 3, sẽ có giá trị tại năm thứ 30, là = 12,000,000*(1+12%)^28 = 286,606,398
Mười hai triệu của năm thứ 4, sẽ có giá trị tại năm thứ 30, là = 12,000,000*(1+12%)^27 = 255,898,570
…..
Cộng tất cả những số tiền này lại, tổng số tiền mà chúng ta sẽ nhận vào năm 30 = 3,243,511,278.
Ba tỷ hai trăm bốn mươi ba triệu, nhé các bạn!
Nếu tính cả lãi suất hàng tháng, thì số tiền lên đến 3.5 tỷ.
** Nếu đầu tư với lãi suất 24%/năm, sau 30 năm, chúng ta sẽ có số tiền là = 39,296,835,842
Ba mươi chín tỷ, nhé các bạn!
Nếu tính cả lãi suất hàng tháng, thì số tiền lên đến 60 tỷ.
** Trên đây là nội dung chính của bài 1: “Tiết kiệm đều đặn hàng tháng và đầu tư số tiền này, sau 1 thời gian, bạn sẽ có cả 1 gia tài!”
Loạt bài này tôi sẽ chia sẻ miễn phí. Các bạn nên hiểu rằng, 1 số trung tâm giảng viên, giảng viên tính học phí rất cao cho những kiến thức tương tự. Nhưng không sao, tôi sẽ đầu tư công sức và thời gian để chia sẻ miễn phí như là một sự đóng góp cho xã hội.
Trách nhiệm của các bạn là đọc kỹ và ÁP DỤNG THÀNH CÔNG. Bạn không áp dụng thành công thì tốn công của tôi, của bạn.
Chi chú: Có bạn hỏi về lạm phát. Tôi trả lời như sau
Lạm phát chỉ làm giảm giá trị sử dụng của tiền. Chứ không làm ảnh hưởng đến công thức và số tiền nhé.
Và vì lạm phát làm giảm giá trị sử dụng của tiền, nên ta cần phải đầu tư tốt để tiền tăng trưởng nhanh hơn tốc độ lạm phát, để bù cho thiệt hại do lạm phát gây ra!

Tài chính cá nhân – Bài 1. Tiết kiệm Tài chính cá nhân – Bài 1. Tiết kiệm Reviewed by Tùng Phạm on tháng 2 21, 2020 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.