Xây dựng kế hoạch tiết kiệm và đầu tư càng sớm, càng đảm bảo tương lai tài chính ổn định, cuộc sống thoải mái cho chính bạn và gia đình.
I. Lập kế hoạch tài chính
1. Xác định những mục tiêu tài chính
Những mục tiêu tài chính trong tương lai mà bạn cần tiết kiệm hay đầu tư là gì?
- Đứng tên một căn nhà
- Sở hữu một chiếc xe ô tô
- Giáo dục dành cho con cái.
- Đủ trang trải cuộc sống khi thất nghiệp
- Nghỉ hưu thoải mái
- Mở cửa hàng kinh doanh như mong ước.
- Phụng dưỡng cha mẹ
Liệt kê tất cả những mục tiêu vào một danh sách, sau đó sắp xếp thứ tự và xác định đâu là những mục tiêu cần thiết và ưu tiên thực hiện trước.
Đồng thời, ước chừng thời gian để hoàn thành từng mục tiêu.
Từ đó, xây dựng kế hoạch tài chính để chuẩn bị cho những mục tiêu sắp tới. Nên thắt chặt thu – chi, tiết kiệm và đầu tư như thế nào để phù hợp và đem lại hiệu quả?
2. Nắm rõ tình hình tài chính của bản thân
Hãy ngồi xuống và nhìn trung thực về tình hình tài chính hiện tại của bản thân. Bạn không thể bắt đầu một cuộc hành trình, khi không biết điểm xuất phát.
Bạn cần biết hoàn cảnh của mình, bạn đang sở hữu những gì. Và bạn đang mắc nợ những ai.
Dưới đây là bảng kiểm kê tài sản, bao gồm những tài sản bạn đang có. Và cả những khoản nợ phải trả hay người khác nợ.
Bảng kiểm kê tài sản
| |||
Tài sản
|
Giá trị hiện tại
|
Nợ phải trả
|
Số tiền
|
Tiền mặt | Số dư thế chấp | ||
Tài khoản thẻ | Thẻ tín dụng | ||
Tiết kiệm | Vay ngân hàng | ||
Bảo hiểm | Vay mua ô tô | ||
Tài khoản hưu trí | Khác | ||
Bất động sản | |||
Nhà | |||
Các khoản đầu tư khác | |||
Tài sản cá nhân | |||
TỔNG | TỔNG |
Tổng tài sản – Nợ phải trả = Giá trị tài sản ròng
Nếu tài sản của bạn lớn hơn các khoản nợ, thì giá trị tài sản ròng “dương”. Ngược lại, các khoản nợ lớn hơn tổng tài sản bạn có thì giá trị tài sản ròng sẽ “âm”.
Có nghĩa rằng, khi tài sản giá trị ròng “dương” có thể là bạn chưa chìm trong nợ nần, nguồn tài sản vẫn sinh ra. Nhưng đó chưa phải là cách để bảo vệ tài sản của bạn lâu dài.
Do đó, việc quản lý tài chính là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu bạn không có kế hoạch thì chắc chắn rằng, đến thời điểm gần nhất giá trị tài sản ròng của bạn sẽ bị “âm”.
Khi giá trị tài sản ròng “âm” có nghĩa rằng bạn không có một tài sản nào trong tay. Bạn cần đối mặt để tìm phương án thay đổi tình hình hiện tại.
Hơn hết, bạn cần có tinh thần tích cực để đối diện với những khoản nợ này. Không hề dễ dàng chấp nhận, nhưng đó là cách duy nhất để cải thiện và bắt đầu xây dựng một kế hoạch xóa nợ.
3. Tính toán thu nhập và chi phí
Bước tiếp theo bạn cần làm, đó là theo dõi những khoản thu – chi hàng tháng. Liệt kê tất cả chúng vào một danh sách.
Điều này giúp bạn nắm rõ tình hình tài chính của bản thân, thiết lập kế hoạch chi tiêu hợp lý và kiểm soát dòng tiền.
Thông thường, một cá nhân với mức thu nhập trung bình 10 triệu/ tháng sẽ có những khoản chi như sau:
Tùy thuộc vào nhu cầu chi tiêu của mỗi cá nhân, mà sẽ có mức phân bổ khác nhau. Nhưng cần bám sát tình hình thực tế.
Bạn không nên để nhu cầu cá nhân tác động quá nhiều. Hãy ưu tiên cho những khoản chi cần thiết. Nhất là những khoản phải thanh toán hàng tháng như: thuê/ trả góp nhà, điện nước, ăn uống, đi lại.
Dưới đây là một vài phương pháp phân bổ tài chính. Bạn có thể tham khảo, để thiết lập kế hoạch chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh hiện tại:
3.1. Phương pháp 6 chiếc hũ
Theo phương pháp này, thu nhập hàng tháng sẽ được chia vào 6 chiếc hũ với những chức năng và nhiệm vụ riêng như sau:
- 55% khoản chi tiêu thiết yếu: nhà ở, ăn uống, đi lại…
- 10% cho quỹ giáo dục: học tập, tham gia các khóa học…
- 10% cho tiết kiệm: quỹ khẩn cấp, tiết kiệm ngắn hạn, dài hạn…
- 10% dành cho quỹ tự do tài chính: đầu tư, quỹ hưu trí…
- 5% khoản chi khác: từ thiện, hiếu hỷ…
Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi để phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh tài chính của mỗi người.
Nếu khoản chi tiêu thiết yếu cần nhiều hơn bạn có thể tăng lên 60 – 65%, nhưng cần giảm những chi khác để đảm bảo cân đối.
3.2. Phương pháp 50/20/30
Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc và lựa chọn theo phương pháp 50/20/30 dưới đây:
- 50% dành cho khoản chi thiết yếu như: thuê nhà, ăn uống, điện nước…
- 20% cho khoản chi tiêu cá nhân: mua sắm, giải trí…
- 10% còn lại cho các mục tiêu tài chính như: trả nợ, tiết kiệm…
Tùy thuộc vào tình hình thực tế mà có thể điều chỉnh linh hoạt con số này. Có thể tăng chi phí thiết yếu lên 60 – 65% nếu bạn thấy cần thiết hơn nhu cầu chi tiêu cá nhân.
3.3. Phương pháp Kakeibo
Kakeibo: Nghệ thuật tiết kiệm của người Nhật. Đây là phương pháp được phát minh bởi người Nhật. Theo phương pháp này, thu nhập sẽ được chia vào 4 phong bì:
- Phong bì 1: Chi phí cơ bản: ăn uống, đi lại, hóa đơn…
- Phong bì 2: Chi phí mở mang kiến thức: tham gia các khóa học, sách vở…
- Phong bì 3: Chi phí không bắt buộc: mua sắm, giải trí…
- Phong bì 4: Chi phí phát sinh: ốm đau…
Nếu chi tiêu quá nhiều trong một phong bì nào đó, bạn có thể lấy từ phong bì khác.
Đồng nghĩa rằng, bạn cần chi tiêu ít hơn ở những phong bì còn lại, để đảm bảo cân đối chi tiêu.
Nếu áp dụng thành công những phương pháp quản lý chi tiêu trên. Kế hoạch tiết kiệm và đầu tư sẽ sớm được thực hiện, đảm bảo cuộc sống thoải mái và an nhàn.
4. Lập ngân sách chi tiêu hàng tháng
Nếu bạn đang chi tiêu quá nhiều, hàng tháng không thể dành riêng một khoản để tiết kiệm. Bạn cần xem xét lại thói quen chi tiêu của bản thân ngay lập tức!
- Xây dựng kế hoạch tiết kiệm tiền từ việc thắt chặt chi tiêu
- Lập ngân sách chi tiêu cụ thể hàng tháng
- Tìm kiếm những công việc làm thêm…
Đó là những phương pháp mà bạn có thể thực hiện, để cải thiện tình hình tài chính.
Việc lập kế hoạch ngân sách cốt yếu là để phục vụ, quản lý nhu cầu chi tiêu – tiết kiệm hàng ngày của chúng ta.
Mỗi ngày, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều các khoản chi như: ăn uống, hóa đơn điện nước, đi lại, học tập…
Nếu như không có ngân sách để chi tiêu cho các khoản chi tối thiểu đó. Bạn rất dễ lâm vào tình trạng nợ nần chồng chéo, gây cảm giác chán nản và mệt mỏi.
Chính vì thế, cần lập ngân sách càng sớm càng tốt. Ít nhất là đủ để đảm bảo cho các khoản chi tiêu hàng ngày.
Sau đó, thực hiện những mục tiêu xa hơn như: tiết kiệm và đầu tư, mua nhà, mua xe,… hoặc quỹ giáo dục cho con cái.
Bảng thống kê những khoản thu – chi hàng tháng
Thu nhập hàng tháng | 15.000.000 đồng |
Chi phí hàng tháng | |
Tiết kiệm | |
Đầu tư | |
Nhà ở | |
Cho thuê hoặc thế chấp | |
Điện nước | |
Đi lại | |
Ăn uống | |
Các khoản vay | |
Bảo hiểm | |
Giáo dục | |
Giải trí | |
Chăm sóc trẻ em | |
Chăm sóc sức khỏe | |
Quà tặng | |
Khác | |
TỔNG |
Ngân sách tài chính cho mỗi cá nhân là hoàn toàn khác nhau. Bởi nhu cầu chi tiêu của mỗi người không giống nhau.
Hiệu quả của việc lập kế hoạch ngân sách được đánh giá cao, khi đáp ứng được nhu cầu chi tiêu hàng ngày. Và hoàn thành các kế hoạch tiết kiệm, đầu tư trong tương lai.
Luôn theo dõi, ghi chép một chính xác những khoản thu chi hằng ngày để có cái nhìn khái quát về tình hình tài chính.
Nếu việc chi tiêu vượt quá thu nhập và ngân sách cho phép tức là bạn đã “ vung tay quá trán” với một số khoản chi nào đó. Và cần có giải pháp để điều chỉnh trong thời gian tiếp theo.
II. Ưu tiên thanh toán các khoản nợ
1. Tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhặt nhất
Một cốc cà phê của bạn bao nhiêu tiền?
Nếu mỗi ngày bạn chi trả 30.000 đồng cho cốc cà phê của mình. Vậy mỗi tháng bạn cần phải thanh toán bao nhiêu?
Giả sử, trong 1 năm bạn sẽ phải chi trả 10.800.000 đồng cho khoản chi này.
Đây là con số không phải nhỏ. Với số tiền này bạn có sử dụng nhiều mục tiêu tài chính khác đem lại giá trị dài lâu.
Hầu hết mọi người đều không quan tâm hay để ý đến những khoản chi nhỏ nhặt này. Hoặc cho rằng, những khoản chi 3.000 đồng, 5.000 đồng không đáng bao nhiêu và cũng không ảnh hưởng đến việc chi tiêu hàng tháng.
Nhưng theo thời gian, 1 năm, 2 năm thì con số này sẽ tăng lên hàng triệu. Khi đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.
Vì vậy, để kiểm soát nguồn tiền một cách hiệu quả. Hãy tạo thói quen ghi chép tất cả những khoản chi trong ngày. Dù chỉ là 3.000 đồng gửi xe.
2. Ưu tiên thanh toán thẻ tín dụng, khoản vay nợ
Thẻ tín dụng như một giải pháp chi tiêu hoàn hảo. Bạn không cần sử dụng tiền mặt mà vẫn có thể chi tiêu, mua sắm ở bất cứ đâu.
Vì những tiện ích đó, mà thẻ tín dụng đã trở thành một trong những phương thức thanh toán được nhiều người lựa chọn và trở nên phổ biến.
Bản chất của thẻ tín dụng là việc bạn đi vay tiền ngân hàng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trước mắt. Đến thời hạn, bạn cần thanh toán toàn bộ hay một phần nợ theo quy định của ngân hàng.
Thông thường thời gian ngân hàng quy định để trả nợ tín dụng là 30 – 45 ngày. Nếu quá hạn mà bạn không thanh toán nợ hay một phần nợ theo quy định. Bạn sẽ gặp rắc rối về tài chính và chính thức trở thành con nợ của ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít cá nhân chưa hiểu rõ bản chất của thẻ tín dụng. Có sẵn tiền trong thẻ nên chi tiêu không kiểm soát. Hay đăng ký hạn mức thẻ tín dụng lên đến 70- 80% thu nhập hàng tháng.
Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn chỉ nên đăng ký hạn mức tối đa 50% thu nhập hàng tháng. Để đảm bảo an toàn.
Và đây là một trong những cách thức sử dụng thẻ tín dụng thông minh, mà bạn nên áp dụng.
Dưới đây là một vài mẹo giúp bạn tránh nợ thẻ tín dụng:
- Không nên sử dụng thẻ tín dụng nếu thu nhập không quá cao
- Theo dõi sao kê chi từ thẻ tín dụng thường xuyên
- Nếu không thể thanh toán nợ đúng hạn, dừng việc chi tiêu qua thẻ tín dụng hoặc tìm kiếm nguồn tiền khác để thanh toán khoản nợ này
- Trả hết nợ với tỷ lệ cao nhất
Ngoài khoản nợ thẻ tín dụng, nhiều cá nhân sẽ có những khoản nợ khác như: vay mượn bạn bè, người thân, quỹ tín dụng…
Để trả nợ một cách nhanh chóng, bạn cần xem xét đến tổng khoản vay nợ và dự tính thời gian kết thúc việc trả nợ.
Ưu tiên thanh toán cho những khoản nợ có lãi suất cao hay thời hạn trả ngắn. Điều này giúp bạn giảm bớt gánh nặng và áp lực trong quá trình xóa nợ.
3. Gia tăng nguồn thu
Gia tăng nguồn thu nhập là một trong những cách mà bạn có thể thực hiện để không gặp khó khăn trong việc chi tiêu. Hay duy trì thói quen tiết kiệm và đầu tư hàng tháng.
Sau đây là 2 cách kiếm tiền mà bạn có thể áp dụng:
- Bạn làm việc vì tiền: Tìm kiếm công việc làm thêm ngoài giờ như: kinh doanh online, shipper, làm đồ handmade, bán hàng tại cửa hàng, siêu thị,gia sư…
- Tiền làm việc cho bạn: Bạn đem tiền đi gửi tiết kiệm và đầu tư.
Tùy thuộc vào nhu cầu cũng như tình hình tài chính của mỗi cá nhân mà sẽ có cách lựa chọn khác nhau. Hay có thể kết hợp cả hai.
3.1. Bạn làm việc vì tiền
Có nghĩa rằng, bạn cần bỏ công sức, thời gian để kiếm tiền. Có thể sẽ khó khăn vì bạn không còn quá nhiều thời gian cho bản thân hay bạn bè. Đó là sự đánh đổi!
Hãy suy nghĩ rằng, sự đánh đổi này có xứng đáng?
Nếu bạn thấy xứng đáng thì chắc chắn bạn sẽ có động lực để thực hiện. Ngược lại, nếu bạn không thấy chúng xứng đáng, bạn không thể tiếp tục và không thể cải thiện tình hình tài chính hiện tại của bản thân.
Những cuộc vui chơi suốt đêm, hay những bữa nhậu không giúp bạn kiếm tiền. Không giúp tài khoản tiết kiệm và đầu tư của bạn sinh sôi nảy nở.
Do đó, hãy cân nhắc và lắng nghe bản thân, để có quyết định đúng đắn và phù hợp.
3.2. Tiền làm việc cho bạn
Đây là cách mà bạn đã tích lũy được một khoản vốn và chưa sử dụng đến. Thay vì tích trữ tại nhà, bạn có thể lựa chọn những phương thức như gửi tiết kiệm hay đầu tư để tiền đẻ ra tiền, gia tăng thêm vốn tài sản.
Tuy nhiên, bạn cần phân biệt giữa: gửi tiết kiệm và đầu tư.
3.2.1. Gửi tiết kiệm
Gửi tiết kiệm là tiền của bạn được đưa vào nơi an toàn nhất hoặc những sản phẩm tương tự cho phép bạn truy cập vào tài khoản của mình bất cứ lúc nào để theo dõi tình hình biến động.
Nhưng làm thế nào để một tài khoản tiết kiệm “an toàn” trong một thời gian dài và tiền lãi không quá thấp?
Theo kịp lạm phát?
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát năm 2018 là 3,54%. Lạm phát sẽ ảnh hưởng đến giá trị tiền bạc. Khi tỷ lệ lạm phát càng cao thì đồng tiền càng mất giá.
Hiểu một cách nôm na rằng, thời điểm hiện tại bạn có thể mua một tô phở với giá 30.000 đồng.
Nhưng đến năm sau, bạn cần bỏ 32.000 – 35.000 đồng có thể mua tô phở giống năm trước. Đó được gọi là tình trạng đồng tiền mất giá, do ảnh hưởng bởi lạm phát.
Khi gửi tiền tiết kiệm cũng vậy, có thể sau thời hạn gửi bạn rút cả vốn lẫn lãi. Nhưng có thể giá trị đồng tiền không còn như trước.
Đây cũng là một trong những điểm trừ khi gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Nếu bạn mong muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, có thể tham khảo các hình thức khác.
3.2.2. Đầu tư
Có nhiều khái niệm về đầu tư. Nhưng hiểu một cách đơn giản, đó là việc sử dụng khoản tiền nhàn rỗi của mình vào các hoạt động đầu tư nhằm đạt được lợi nhuận.
Khi nhắc đến đầu tư, nhiều người sẽ nghĩ đến việc đầu tư chứng khoán. Nhưng thực tế, còn có nhiều kênh đầu tư khác như: quỹ mở, mua vàng, bất động sản…
Tham gia đầu tư khả năng mất tiền sẽ nhiều hơn gửi tiết kiệm. Khi đầu tư sẽ tiềm ẩn những rủi ro. Nhưng nếu thành công, lợi nhuận thu về không hề nhỏ.
Phương thức nào cũng có những mặt lợi – hại. Do đó, bạn cần cân nhắc kỹ càng để đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh tài chính hiện tại.
Dưới đây là bảng thống kê các sản phẩm tài chính cơ bản. Hãy liệt kê dựa trên tình hình thực tế, bạn đã có những gì:
Các sản phẩm tài chính cơ bản
| |
Tiết kiệm | Đầu tư |
Tài khoản tiết kiệm | Chứng khoán: Cổ phiếu, Trái phiếu |
Tài khoản lương | Quỹ |
Bất động sản | |
Hàng hóa (vàng, bạc…) |
Bạn có sẵn sàng chấp nhận những rủi ro?
Chẳng hạn, bạn 30 tuổi sau 2 năm nữa mục tiêu là sở hữu một căn nhà. Lúc này, bạn có mạo hiểm để rút một phần tiền trong kế hoạch này để đầu tư?
Nếu thành công, có thể bạn sẽ sở hữu căn nhà sớm hơn kế hoạch và không nợ nần. Ngược lại, không may thất bại thì sẽ mất trắng số tiền đó. Và có thể kế hoạch mua nhà sẽ bị phá sản hoàn toàn.
Do đó, khi tham gia đầu tư bạn cần xác định rằng: Bạn có thể chấp nhận những rủi ro này không? Mức độ chấp nhận là bao nhiêu %?
Bài toán khi tham gia đầu tư không dễ dàng, có một lưu ý mà bạn cần biết đó là: Khi lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng nhiều.
Chẳng hạn, bất động sản là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao so với kênh đầu tư khác. Khi đó, rủi ro đương nhiên sẽ cao hơn.
Với hình thức gửi tiết kiệm, lợi nhuận không cao nhưng rủi ro khá thấp. Và đây là hình thức đầu tư an toàn nhất hiện nay.
Hện nay, đầu tư chứng khoán là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thực chất của việc tham gia đầu tư chứng khoán là góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp.
Một vài điểm cần lưu ý khi tham gia đầu tư chứng khoán:
- Doanh nghiệp hoạt động tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh
- Công ty tạo ra lợi nhuận ít nhất trong 3 năm gần nhất
- Triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai
- Nhà lãnh đạo quản lý tốt doanh nghiệp
Ngoài hình thức đầu tư chứng khoán, quỹ mở cũng là một trong những kênh đầu tư mà các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên tham gia.
Đầu tư quỹ
Quỹ đầu tư được hiểu là quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư với mục đích thu lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào chứng khoán hay các dạng khác. Trong đó các nhà đầu tư không tham gia trực tiếp vào việc quyết định đầu tư.
Nói cách khác, đây là hình thức đầu tư vốn vào một công ty quỹ, được gọi là công ty quản lý quỹ. Tại đó, sẽ có các chuyên gia đầu tư tài chính sẽ sử dụng số vốn đó đi đầu tư vào các kênh khác nhau.
Mục đích của quỹ là mang lại lợi nhuận dài hạn và bền vững thông qua việc tăng vốn gốc nhờ hoạt động đầu tư.
Chính vì vậy nếu quỹ hoạt động càng tốt thì lợi nhuận của nhà đầu tư càng nhiều.
Tuy nhiên, theo từng giai đoạn ngắn hạn, lợi nhuận có thể cao hoặc thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Được rút vốn bất cứ khi nào. Đây là một trong những lợi ích ưu việt của quỹ mở. Nhà đầu tư có thể rút một phần hoặc toàn bộ vốn một cách dễ dàng và nhanh chóng bằng cách bán lại chứng chỉ quỹ để lấy lại tiền mặt.
Lưu ý khi tham gia đầu tư quỹ
Khi đầu tư vào quỹ mở, trước hết cần tìm hiểu rõ công ty quỹ. Tìm hiểu sự tin cậy của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động lâu năm trên thị trường.
Cần xem xét năng lực của đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, làm việc ổn định tại công ty. Quan trọng nhất là kết quả hoạt động của quỹ có cao hơn so với các quỹ khác không, có đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư không.
Một phần nữa, cần xem xét đến là dịch vụ khách hàng, các thông tin về hoạt động của quỹ phải được công bố minh bạch.
Thời điểm chính xác để quyết định tham gia đầu tư đó chính là lúc bạn xác định mục tiêu tài chính của mình.
Các mục tiêu tài chính có thể là: mua nhà, mua xe ô tô, nuôi con, nghỉ hưu,…
Có nên thuê một chuyên gia tài chính?
Bạn có phải là người am hiểu về kiến thức đầu tư? Bạn nắm bắt tình hình thị trường đầu tư?
Ngược lại, nếu bạn bận rộn với công việc, bạn không có quá nhiều kiến thức về lĩnh vực này? Khi đó, bạn cần hỏi han những cá nhân, bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực này hoặc thuê chuyên gia nếu bạn thấy cần thiết.
Chuyên gia tài chính sẽ đánh giá mọi khía cạnh tài chính của bạn. Đưa ra chiến lược tài chính và lựa chọn kênh đầu tư phù hợp để đạt mục tiêu.
Khi có sự giúp đỡ từ phía chuyên gia, bạn sẽ có con đường đầu tư dễ dàng hơn. Và cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, bạn nên tính toán đến khả năng chi trả khi nhờ sự giúp đỡ từ phía chuyên gia. Nếu nó vượt quá ngân sách, có thể cân nhắc giữa việc thuê hay không để đảm bảo tài chính.
III. Làm thế nào để bảo vệ tài sản?
1. Quyết định đầu tư hay gửi tiết kiệm?
Quyết định tham gia đầu tư không hề dễ dàng. Do đó, bạn cần tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn kênh đầu tư.
Dưới đây là một vài câu hỏi, bạn có thể tự trả lời. Từ đó, đưa ra lựa chọn chính xác và phù hợp với tình hình tài chính hiện tại:
- Mục đích tham gia đầu tư là gì?
- Vốn tham gia là bao nhiêu?
- Thời gian tham gia bao lâu?
- Mong muốn lợi nhuận như thế nào?
- Bạn chấp nhận mức độ rủi ro như thế nào?
- Bạn sẵn sàng chấp nhận khi đầu tư thất bại?
- Có nên thuê chuyên gia tài chính để hỗ trợ?
- Mức chi phí bạn có khả năng thanh toán là bao nhiêu?
Từ những gợi ý trên, hãy liệt kê những câu trả lời và đưa ra quyết định tham gia gửi tiết kiệm hay đầu tư để đảm bảo an toàn. Hoặc nguồn vốn đủ nhiều, có thể kết hợp cả hai hình thức này.
Nếu việc tham gia đầu tư là khá mạo hiểm, bạn khó chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Có thể tham khảo hình thức gửi tiết kiệm.
Khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bạn lưu ý đến những yếu tố như:
- Số tiền gửi
- Thời hạn gửi
- Lãi suất từng gói gửi
Thông thường, mức lãi suất sẽ phụ thuộc vào thời hạn gửi. Khi thời gian gửi càng lâu thì mức lãi suất sẽ càng cao.
Hiện nay trên thị trường, lãi suất tiền gửi dài hạn trên 13 tháng cao nhất khoảng 8%/ năm. Kỳ hạn gửi dưới 12 tháng, mức lãi suất trung bình khoảng 6% – 8%. Mức lãi suất thấp hơn, khoảng 5 – 7% cho kỳ hạn 6 tháng và dưới 6 tháng (số liệu cập nhật tháng 7/2019).
Bên cạnh đó, bạn cần cân nhắc việc lựa chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm. Điều này ảnh hưởng đến mức lãi suất khi gửi.
Thị trường Việt Nam hiện nay tồn tại hai khối ngân hàng là ngân hàng nhà nước và ngân hàng tư nhân.
Khi gửi lãi suất khối ngân hàng nhà nước thì mức lãi suất sẽ thấp hơn so với ngân hàng tư nhân. Nhưng đảm bảo an toàn về tài chính nhiều hơn.
Gửi tiết kiệm ngân hàng tư nhân, lãi suất cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngân hàng phá sản. Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm và tiền gửi có được trả lại?
Do đó, nếu bạn muốn gửi thời hạn lâu dài và an toàn có thể tham khảo các ngân hàng nhà nước để đảm bảo an toàn.
2. Theo dõi các khoản đầu tư như thế nào?
Cập nhật tin tức thị trường chứng khoán hàng ngày là cách để bạn theo dõi khoản đầu tư của mình một cách chặt chẽ. Nếu cần thay đổi hoặc rút vốn kịp thời để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, sự biến động của thị trường thay đổi liên tục. Có thể sẽ khiến bạn hoang mang và lo lắng. Nảy sinh ý định rút vốn hoặc bán toàn bộ hay một phần chứng khoán để thu hồi vốn.
Nhưng đầu tư là con đường dài, bạn cần nhìn nhận đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần quan sát tỉ mỉ và dựa vào báo cáo doanh thu của doanh nghiệp mà có những quyết định để không ảnh hưởng hay thua lỗ.
3. Làm thế nào để hạn chế rủi ro?
Tìm hiểu kiến thức về đầu tư, tham gia các khóa học ngắn hạn về đầu tư tài chính hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia là cách mà bạn có thể hạn chế những rủi ro.
Bên cạnh đó, phân bổ nguồn vốn vào nhiều kênh đầu tư khác nhau cũng là cách để hạn chế rủi ro. Tuyệt đối, không để trứng vào cùng một giỏ!
Trước khi quyết định đầu tư bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường đầu tư.
Nếu có thể, tham khảo ý kiến từ những cá nhân; chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực để có lời khuyên chính xác nhất.
Tiết kiệm và đầu tư – Chìa khóa để bảo vệ tài chính vững chắc
Reviewed by Tùng Phạm
on
tháng 3 12, 2020
Rating:
Không có nhận xét nào: