Keep Traveling

Tìm kiếm và xây dựng năng lực cốt lõi Cá nhân

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Lợi thế cạnh tranh lại được xây dựng dựa trên năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có năng lực cốt lõi thì cũng không có lợi thế cạnh tranh bền vững và từ đó khó có chiến lược kinh doanh chắc chắn.

Lấy ví dụ như trào lưu hiện nay là mô hình doanh Quán trà chanh:

Giả định bạn muốn mở một quán trà chanh, câu hỏi đầu tiên phải hỏi là quán trà của mình sẽ có lợi thế cạnh tranh gì so với vô vàn các quán trà khác (Hay tại sao khách hàng lại phải vào quán của mình?). Lợi thế cạnh tranh đó muốn có được, muốn giữ được thì phải dựa vào năng lực cốt lõi nào của quán (Lý do khách hàng vào quán đó có bền vững không?). Bản thân năng lực cốt lõi của bạn cũng sẽ trở thành năng lực cốt lõi của quán vì nguồn nhân lực cũng là một loại năng lực cốt lõi khó bắt chước (Cũng cái quán đó thôi nhưng với người bán này thì đắt khách, với người khác thì lại chẳng ai tới).

Nếu lợi thế cạnh tranh của bạn là vị trí; nếu lợi thế đó không mất đi trong dài hạn thì nó trở thành năng lực cốt lõi của quán. Nếu bạn thuê vị trí đó cứ 6 tháng một lần thì nó không phải là năng lực cốt lõi vì người cho thuê sẽ tăng giá, thậm chí là đuổi bạn đi để thế vào đó. Lý tưởng nhất là bạn sở hữu cái vị trị đó nhưng nếu không được thì hợp đồng phải là dài hạn.

Bạn sở hữu một công thức pha chế tuyệt vời, tạo ra cốc trà ngon hơn hẳn các quán khác. Khách hàng đến quán vì cốc trà ngon, họ sẵn sàng chui rúc vào con ngõ sâu hun hút để tìm tới quán. Nếu công thức đó đến từ người pha chế mà bạn thuê, nếu anh ta không có ràng buộc gì với bạn, có thể bỏ việc bất cứ lúc nào thì đó không còn là năng lực cốt lõi nữa. Lợi thế cạnh tranh của quán mặc dù có nhưng không bền vững. Lý tưởng nhất bạn chính là người sở hữu khả năng tạo ra cốc trà nhờ sự khéo léo cũng công thức pha chế bí mật.

Đó cũng có thể là kỹ năng quản trị của riêng bạn. Bạn có thể biến một mặt bằng bất kỳ trống rỗng thành một cửa hàng trà thu hút khách nhờ sở hữu khả năng tạo dựng, điều phối các nguồn lực nhằm đạt mục tiêu. Vingroup là ví dụ điển hình cho năng lực này; tất cả những sản phẩm/dịch vụ họ tạo ra đều dựa trên năng lực tìm kiếm, điều phối các nguồn lực vì vậy đừng ngạc nhiên khi họ kinh doanh những sản phẩm trái ngược nhau (tư duy cổ là làm gì cũng phải có liên quan tới cái mình đang quen làm). Hôm trước bạn đi qua một cửa hàng FPT kinh doanh điện thoại di động, hôm sau qua cũng vẫn FPT nhưng kinh doanh mỹ phẩm; chẳng có gì lại; nhưng nếu cái đó xảy ra cách đây 10 năm thì chắc phải rùm beng lên rồi. Khả năng tìm kiếm, điều phối các nguồn lực để đạt một mục tiêu nào đó; nếu bạn sở hữu nó thì bao giờ lo chết đói.

Highland coffee điển hình theo lợi thế cạnh tranh về vị trí

Bạn là chủ sở hữu mặt bằng quán; vị trí quán lại đối diện ngay tháp rùa hồ gươm. Bạn có năng lực cốt lõi là sở hữu mặt bằng cái quán, bạn hoàn toàn làm chủ nó. Năng lực đó sinh ra lợi thế cạnh tranh là vị trí, không có cái quán nào quanh đó có vị trí tuyệt với như của bạn. Khách tới quán trả tiền không phải vì tách trà mà vì chỗ ngồi. Bạn hoàn toàn có thể giảm chất lượng cốc trà (giảm chi phí) mà khách vẫn đến đông lườm lượm.

Dài dòng vậy để ta thấy mối liên quan giữa Lợi thế cạnh tranh và Năng lực cốt lõi.

Quay trở lại chủ để về năng lực cốt lõi cá nhân.

Bản chất mỗi người chúng ta cũng giống như một doanh nghiệp. Bạn có thể lập báo cáo tài chính với đầy đủ bảng cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ, báo cáo hoạt động KD của cá nhân bạn theo form của một doanh nghiệp. Bạn hoạt động động hiệu quả hay không thì cũng giống như doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay không. Hãy tư duy theo hướng làm sao để chính bạn trở thành một doanh nghiệp hiệu quả; chẳng nhẽ bạn lại muốn mình giống như một doanh nghiệp doanh thu không bù nổi chi phí, sống lay lắt chẳng biết bao giờ phá sản? Hoặc bạn lại huy động cả doanh nghiệp đi chơi game cho vui thay vì tăng gia sản xuất?

Một quán trà đá không có lợi thế cạnh tranh, hoặc có lợi thế cạnh tranh nhưng không xuất phát từ năng lực cốt lõi thì sớm muộn cũng dẹp tiệm. Chưa kịp thu được chi phí đầu tư ban đầu đã giải tán rồi. Giống như vậy, một cá nhân không có lợi thế cạnh tranh, hoặc lợi thế cạnh tranh không xuất phát từ năng lực cốt lõi cá nhân cũng sẽ nhạt nhòa trong đám đông.

Tất nhiên chúng ta phải hiểu rằng kiếm tiền không phải mục tiêu quan trọng nhất. Đầy người hướng tới mục tiêu gia đình, hưởng thụ trải nghiệm cuộc sống hoặc dành cả đời người để tu tập. Đó cũng là một loại thành công trong cuộc đời, miễn là người đó cảm thấy hạnh phúc vì nó. Tuy nhiên ngay cả hướng tới các mục tiêu phi tài chính thì nếu như ta hiểu rõ năng lực cốt lõi của mình ta cũng sẽ làm tốt hơn nhiều.

Câu hỏi đầu tiên: Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì?

Từ lợi thế cạnh tranh suy ngược về năng lực cốt lõi sẽ dễ hình dung hơn (giống như ví dụ về quán trà chanh).

Tại sao bạn đạt được các kết quả tài chính/phi tài chính nhiều hơn người khác? Giống như tại sao quán trà chanh của bạn đông khách hơn, thu được nhiều doanh thu hơn, lợi nhuận hơn các tiệm khác?

Đó có phải là bạn chấp nhận thu nhập thấp giống như bạn chấp nhận giá bán cốc trà thấp. Nhờ tiết kiệm chi phí đầu vào, bạn vẫn có thể sống tốt; tương tự như nhờ tiết kiệm chi phí bạn có thể định giá cốc trà thấp.
Có phải bạn đã mang lại cho khách hàng một giá trị nào đó đặc biệt giống như cốc trà của bạn có một hương vị đặc biệt khiến cho khách hàng phải tìm tới bất chấp giá bán cao hơn.
Nếu như bạn không phát biểu được lợi thế cạnh tranh của mình là gì thì có nghĩa rằng kết quả hiện tại của bạn không có gì nổi bật so với những người khác. Giống như một quán trà tranh có doanh thu, lợi nhuận ở mức đủ tồn tại.


Thói quen của tôi khi đi đường, trừ những lúc đầu óc sao nhãng truyện khác, đó là xem các cửa hàng ven đường. Câu hỏi đặt ra là “Cửa hàng đó có lợi thế cạnh tranh là gì?”, phân nhỏ ra là :

Tôi có nhu cầu với hàng hóa/dịch vụ của cửa hàng đó không?
Ai là khách hàng mục tiêu của cửa hàng đó?
Tại sao tôi nên mua hàng ở cửa hàng đó? Nó có gì đặc biệt mà tôi nên mua ở đó thay vì ở cửa hàng khác?
Cửa hàng đó đã dùng biện pháp gì để mời chào khách hàng? (khuyến mãi giảm giá, bật nhạc ầm ĩ, trang hoàng lòe loẹt gây chú ý, thiết kế nội thất, thực đơn,….). Ví dụ nếu quán đó có một món ăn đặc ngon nhưng khách hàng phải thử thì mới biết là ngon, vậy họ đã truyền thông cái đó như thế nào
Câu trả lời cũng không quá khó vì bản thân mỗi người chúng ta cũng là một khách hàng; ta biết là ta có nhu cầu cái gì, ta muốn sản phẩm/dịch vụ đó phải như thế nào,….Rồi bạn sẽ nhận ra là một cửa hàng nào sẽ sống lay lắt, cửa hàng nào sẽ đóng cửa trong nay mai, cửa hàng nào phát triển,… Nhưng một người mở ra một cửa hàng có khi lại đứng ở phía người bán mà nghĩ thay vì đứng ở phía người mua; dành nhiều thời gian để làm sao cái quán có thể khánh thành vào đúng ngày đó thay vì thời gian cho nghĩ tới những ngày sau đó.

Chưa có lợi thế cạnh tranh khả năng nhiều là do bạn chưa chú ý tìm kiếm nó. Một quán trà đông khách nhờ vị trí đẹp có thể bản thân chủ quán cũng không nhận ra lý đo đó mà lại nghĩ rằng cốc trà anh ta pha ngon.

Nếu kết quả của bạn không có gỉ nổi bật nhưng lại cho rằng mình có lợi thế cạnh tranh thì có thể bạn chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình.

Câu hỏi 2: Nếu chưa có lợi thế cạnh tranh thì tôi phải xây dựng lợi thế cạnh tranh như thế nào?

Hãy nghĩ tới ví dụ quán trà chanh. Làm thế nào đề tạo lợi thế cạnh tranh cho quán; để quán đông khách hơn; để họ chấp nhận trả tiền cốc trà cao hơn quán bên cạnh?

Như có phân tích ở trên, Lợi thế cạnh tranh phải xuất phát từ năng lực cốt lõi thì mới bền vững. Nếu Chăm chỉ không phải năng lực cốt lõi của bạn thì bạn chỉ chăm chỉ được 1 tuần, 1 tháng; chưa đủ để khách hàng nhận ra sự khác biệt chứ nói gì tới công nhận sự khác biệt đó là độc đáo, duy nhất. Bản thân bạn không coi khách hàng là thượng đế nhưng lại muốn hành xử như khách hàng là thượng đế thì làm sao có thể cố gắng được lâu.

Nếu bạn giảm giá cốc trà thấp hơn bên cạnh nhưng không có cách nào giảm chi phí thấp hơn bên cạnh thì bạn đang chấp nhận mức lợi nhuận biên thấp hơn. Điều đó sẽ không duy trì được lâu trừ khi năng lực cốt lõi của bạn là vốn; bạn sẵn sàng duy trì điều đó trong thời gian dài để loại hết các quán trà chanh trên con đường đó.

Nghĩ ra một lợi thế cạnh tranh nào đó phải nghĩ ngay tới nó có phù hợp với năng lực cốt lõi của mình đang có hay không. Lợi thế cạnh tranh và Năng lực cốt lõi phải gắn kết với nhau để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững; và ngược lại bạn cũng sẽ có ý thức phát triển năng lực cốt lõi nếu biết rằng nó giúp củng cố lợi thế cạnh tranh.

Lợi thế cạnh tranh của cá nhânHide
Doanh nghiệp sử dụng năng lực cốt lõi để tạo ra lợi thế cạnh tranh nhờ vậy có được doanh thu lợi nhuận hơn các công ty khác trong ngành. Tương tự, cá nhân sử dụng năng lực cốt lõi để tạo ra lợi thế cạnh tranh cá nhân nhờ vậy có được thu nhập cao hơn những người khác. Dưới đây là một số gợi ý để bạn chọn cho mình một lợi thế cạnh tranh:

Năng lực cốt lõi cá nhân

Nếu bạn là đầu bếp thì hãy là người có khả năng tạo ra một món ăn nào đó bá đạo nhất; cả quán to cũng chỉ cần 1 món ăn cũng đủ kéo khách hàng tới.

Nếu bạn là một nhân viên sửa chữa điện thoại thì lợi thế cạnh tranh của bạn phải là sửa chữa số lượng lớn nhất trong thời gian ngắn nhất (tốc độ sửa chữa). Ông chủ sẽ muốn thuê bạn, trả lương cao cho bạn vì anh ta chỉ phải trả lương cao hơn một chút nhưng giá trị mà bạn mang lại nhiều hơn nhiều so với người khác.

Câu hỏi 3: Nếu bạn cũng chẳng biết mình có năng lực cốt lõi gì thì sao?

Ai cũng có một cái gì đó nổi trội hơn người khác chẳng qua anh ta không phát hiện ra hoặc biết nhưng không sử dụng, không rèn luyện.

Chúng ta có thể suy ngược từ hiện tượng về bản chất để tìm ra năng lực cốt lõi. Ví dụ:

Con người dành nhiều thời gian cho cái họ thích, họ thường thích những cái họ giỏi, ta tìm điểm mạnh trong đó.

Ví dụ tôi dành gần 2 giờ mỗi ngày cho chạy bộ (đó là hiện tượng). Năng lực cốt lõi của tôi tương ứng là Tính kỷ luật. Tôi có thể lặp đi lặp lại việc đó ngày nay qua tháng khác, năm này qua năm khác bất chấp thời tiết, công việc bận rộn thế nào, sự nặng nhọc của bài tập, cám dỗ của các thú vui khác,….

Giả định bạn thích đá bóng, đó là hiện tượng. Hãy đi sâu vào lý do tại sao bạn vẫn đá bóng bất chấp thời gian, chấn thương va chạm,…Hãy liệt kê ra toàn bộ các lý do, các nguyên nhân mà bạn vẫn chấp nhận bỏ thời gian ra để đi đá bóng. Đó có thể là khả năng tổ chức lên đội bóng, thiết lập lịch thi đấu, kết nối các thành viên trong đội bóng, xây dựng chiến thuật trong trận đấu,…

Tìm kiếm trong công việc sẽ dễ hơn vì công việc mang lại giá trị rất rõ ràng trong khi ngoài công việc thì giá trị thường khó đo đếm. Nếu một việc nào đó bạn thích làm, làm mà không cần người khác bảo phải làm, làm nó như thế bạn đang ăn một cái bánh thơm ngon; thậm chí còn để dành nó để làm thì chắc chắn đó là cái bạn đang làm giỏi. Đó là nơi tìm ra năng lực cốt lõi của bản thân.

Năng lực cốt lõi đến từ Kiến thức, Kỹ năng, Thái độ. Kiến thức là sự hiểu biết, kỹ năng là khả năng hành động và tư duy, thái độ là cách bạn đối diện với khách quan bên ngoài.

Câu hỏi 4: Nếu đã tìm ra năng lực cốt lõi thì xây dựng lợi thế cạnh tranh như thế nào?

Một năng lực cốt lõi sẽ là vô nghĩa nếu nó không mang lại giá trị. Tính kỷ luật có thể biến thành sự bảo thủ, độc đoán nếu không được phát huy theo hướng tích cực. Khả năng xây dựng quan hệ sẽ dẫn tới sự mất mát về thời gian cá nhân mà chẳng mang lại giá trị gì. Nếu tài chính là thứ bạn có nhiều thì không biết sử dụng cũng chỉ là sự lãng phí tiền bạc. Nếu có ông bà làm quyền cao chức trọng thì có thể sinh ra tính ỷ lại cho bản thân thay vì làm bệ phóng. Khả năng tư duy tốt có thể biến bạn trở thành một người nghiện game thay vì một chuyên gia tìm giải pháp cho các vấn đề.

Có năng lực cốt lõi rồi thì xem nó có tương ứng với lợi thế cạnh tranh mình đang có hay không; nếu chưa có lợi thế cạnh tranh thì xây đựng lợi thế cạnh tranh tương ứng.

Mỗi một doanh nghiệp sẽ có những lợi thế cạnh tranh được ông chủ đánh giá cao hơn so với các lợi thế khác. Một người có kỹ năng cực tốt với các số liệu nên ở trong một công ty kiểm toán, một công ty dữ liệu lớn,…sẽ tốt hơn là trong một cửa hàng nhỏ. Kỹ năng không được rèn rũa sẽ bị mai một.

Nếu lợi thế cạnh tranh của bạn không phù hợp với lợi thế cạnh tranh mà phòng đó, doanh nghiệp đó đánh giá cao thì bạn hoặc phải xây dựng lợi thế cạnh tranh mới của bản thân cho phù hợp hoặc đi tìm một phòng, doanh nghiệp khác phù hợp.

Câu hỏi 5: Xây dựng và rèn luyện năng lực cốt lõi như thế nào?

Giả định bạn có tố chất bơi; cơ thể bạn sinh ra là để bơi. Vấn đề chính là bạn chẳng bao giờ đi bơi nên cũng không biết mình có tố chất đó để mà khai thác nhằm nổi tiếng ít nhất là được như Ánh Viên. Bạn cần phải thử rất nhiều thứ để hiểu tố chất của mình là gì.

Tiếp theo, giả sử bạn phát hiện ra mình có tố chất bơi nhưng bạn lại không chọn nghề trở thành vận động viên bơi lội mà coi đó chỉ là một món giải trí đơn thuần thì cũng chẳng hy vọng một ngày được như Ánh Viên vì bạn có dành thời gian luyện tập đủ nhiều đâu.

Một năng lực cốt lõi phải được phát hiện ra và sau đó là đầu tư thời gian cho nó để nó giúp bạn trở thành người giỏi nhất làm cái gì đó, cái mà mang lại giá trị.

Sở dĩ chúng ta không phát huy được năng lực cốt lõi bản thân đó là không đầu từ đủ thời gian, tiền bạc cho nó. Cho dù bạn tố chất bơi lội nhưng không luyện tập bơi thì chưa chắc bạn đã bơi giỏi bằng người không có tố chất chăm chỉ luyện tập.

Ta để ý là việc phát hiện ra năng lực cốt lõi, rèn luyện nó là rất quan trọng, thông qua một số ví dụ sau:

Nick Vuijicic là một diễn giả rất nổi tiếng; nổi tiếng tới nỗi bạn vào google chỉ cần gõ Nick thôi là sẽ có gợi ý tới Nick Vuijicic. Về lý thì anh ta sẽ là kẻ ăn bám suốt đời; nếu anh ta làm vậy thì chẳng ai trách anh ta; ấy vậy mà anh ta lại giàu có, có một gia đình hạnh phúc nhờ tìm ra và phát triển năng lực cốt lõi.

Anh ta thuyết trình các chủ đề về nghị lực sống. Khán giả muốn tới xem thì phải trả tiền (mang lại giá trị). Trên thế giới có hàng ngàn diễn giả nổi tiếng và tài giỏi nhưng không ai giỏi như anh ta về chủ đề nghị lực sống. Anh ta không chọn chủ đề marketing, chiến lược kinh doanh, kỹ năng làm giàu,…mà là chọn nghị lực sống (tập trung vào một món ăn duy nhất để thành thần trong món ăn đó)

Sản phẩm mà anh ta mang tới là các bài thuyết trình cảm động đầy sức lôi cuốn. Sản phẩm đó đến từ hình ảnh một con người khiếm khuyết, từ nội dung bài thuyết trình súc tích và từ cách truyền đạt đầy biểu cảm.

Nick

Có ai nghĩ khi lớn lên anh ý nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn chúng ta.

Một diễn giả khác sẽ không thể bắt chước được vì anh ta có cụt cả tứ chi đâu trong khi nội dung bài thuyết trình lại phải phù hợp với đối tượng đó. Nếu anh ta có đủ chân tay và khoe rằng anh ta đã bơi đã lặn, đã tự mình chăm sóc bản thân như thế nào thì kết quả ra sao chắc bạn cũng đoán được.

Lợi thế cạnh tranh của anh ta đến từ năng lực cốt lõi :


  • Tố chất khi sinh ra anh đã bị thiếu chân tay. Đáng nhẽ nó là điểm yếu thì anh ta biến nó thành điểm mạnh nhất. Đây là một bài học cho chúng ta thấy là chỉ cần cách nhìn khác là kết quả đã khác rồi.
  • Mọi hoạt động bình thường với người khác thì đối với anh ta lại trở thành vô cùng khó khăn. Anh ta hình thành nghị lực sống từ nhỏ đế rồi cuối cùng chính cuộc đời anh ta đã là một bài thuyết trình hoàn hào cho nghị lực sống.
  • Có một gia đình tuyệt vời; nếu anh ta sinh ra trong một gia đình khác, có lẽ anh ta sẽ khác. Gia đình mặc dù nằm ngoài chủ quan của anh ta nhưng lại trở thành một phần năng lực của anh ta. Giống như việc bạn có xe máy thì sẽ có lợi thế hơn nhiều so với một anh chỉ có xe đạp nếu đi từ Thanh Xuân tới hồ tây
  • Khả năng thuyết trình cũng là một năng lực nhưng không phải cốt lõi của anh ta.

Kipchoge là vận động viên marathon nhanh nhất, người rất nối tiếng và chắc là giàu nhất trong các vận động viên chạy bộ. Sản phẩm của anh ta là hoàn thành một cự ly marathon với thời gian ngắn nhất; giá trị mang lại là giải thưởng cùng các hợp đồng quảng cáo.

Năng lực cốt lõi của anh ta là một cơ thể hoàn hảo cho chạy marathon và kỹ năng chạy bộ. Nhờ năng lực đó anh ta có lợi thế trên đường chạy; khi tim của đối thủ sắp ngất thì tim anh ta vẫn còn khỏe, khi chân đối thủ sắp không chịu được thì chân anh ta vẫn khỏe. Anh ta biết phân phối sức lực, biết lúc rẽ thì nên chạy như thế nào, lúc tiếp nước thì phải ra sao,…

Kipchoge có tố chất chạy bộ và anh ta dành hầu hết thời gian trong ngày từ khi còn nhỏ chỉ để luyện tập chạy bộ. Nếu Kipchoge không sinh ra ở Kenya, một đất nước mà mỗi đứa trẻ đều thần tượng những vận động viên chạy bộ thay vì bóng đá, thì có thể đã khác. Anh ta có thể không phát hiện ra mình có tố chất chạy bộ và vì vậy có thể đang làm một nhân viên bồi bàn vô danh ở một xó xỉnh nào đó. Anh ta có thể trở thành một nhân viên bồi bàn mang thức ăn nhanh nhất nhưng tiếc là nhanh không phải là lợi thế được đánh giá cao trong con mắt ông chủ.


Kipchoge không làm diễn giả về nghị lực sống mà Nick không chọn chạy bộ. Nếu hai người đổi chỗ cho nhau ta sẽ được hai người tầm thường thay vì 2 người xuất chúng.

Giờ là lúc cần ứng dụng:

Kiến thức về năng lực cốt lõi cá nhân có rất nhiều; nó cũng nhiều như năng lực cốt lõi của doanh nghiệp vậy. Mặc dù vậy thì nó cũng rất đơn giản, không tới mức bạn phải mất cả tuần chỉ để nghiên cứu kiến thức về nó. Chúng ta là chủ doanh nghiệp sở hữu chính mình, chúng ta toàn quyền định đoạt sử dụng nó như thế nào. Thời gian chúng ta nghĩ tới cái ta muốn hơi nhiều trong khi nghĩ tới việc làm sao phát triển doanh nghiệp cá nhân này thì lại hơi ít.

Muốn quản trị doanh nghiệp tốt bạn phải hiểu doanh nghiệp có những năng lực gì, đâu là năng lực cốt lõi. Đối với cá nhân ta phải ý thức được ta có năng lực nào, năng lực nào là cốt lõi, cần làm gì để phát triển năng lực cốt lõi, làm sao để tạo lợi thế cạnh tranh từ năng lực cốt lõi nhằm tạo ra giá trị nhiều nhất.

Một năng lực sẽ là năng lực cốt lõi nếu:

  • Nó mang lại giá trị được người khác công nhận và sẵn sàng chi trả.
  • Là thứ bạn làm giỏi nhất, bạn yêu thích khi sử dụng năng lực đó.
  • Năng lực đó càng hiếm càng khó bắt chước thì giá trị bạn nhận được càng cao.

Đi nửa đời người nhiều lúc tôi cũng phải ngạc nhiên vì thực sự mình cũng chưa hiểu nổi bản thân. Đó là với một người chịu khó suy nghĩ về bản thân nhiều còn như vậy; với những người hướng ngoại thời gian yên lặng chỉ đếm bằng giây mỗi ngày thì có khi hiểu bạn mình còn hơn hiểu chính mình. Đầu tư cho bản thân luôn là đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất.

- Dũng ISO -
Tìm kiếm và xây dựng năng lực cốt lõi Cá nhân Tìm kiếm và xây dựng năng lực cốt lõi Cá nhân Reviewed by Tùng Phạm on tháng 4 21, 2020 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.